Dù lợn bị nhiễm bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.
Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...
Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, tốc độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi rất nhanh và phức tạp. Ban đầu, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau, số tỉnh, thành có dịch đã tăng hơn 6 lần. Hiện dịch bệnh đang xảy ra ở gần 540 hộ tại 118 xã của 33 huyện, số lợn mắc dịch bị tiêu hủy đã lên tới gần 12.000 con.